Search
Close this search box.

Từ ngày 1/11/2021, thị xã Từ Sơn đã chính thức trở thành TP.Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh. TP.Từ Sơn được xác định là đô thị vệ tinh của thủ đô Hà Nội, giữ vai trò là trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ và là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Ninh. Từ làng lên phố là một hành trình dài của Từ Sơn cùng nhiều câu chuyện lý thú…

TP.Từ Sơn được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 61,08km² diện tích tự nhiên, dân số 202.874 người (tính đến 31/12/2020) với 12 phường của thị xã Từ Sơn là: Đồng Nguyên, Đồng Kỵ, Tân Hồng, Trang Hạ, Đình Bảng, Đông Ngàn, Châu Khê, Hương Mạc, Phù Khê, Phù Chẩn, Tương Giang, Tam Sơn.

Làng Đồng Kỵ – nay là phường Đồng Kỵ – cái nôi của nghề gỗ mỹ nghệ – được xem là khu vực kinh tế trọng điểm của TP.Từ Sơn. Từ một làng nghề truyền thống, giờ Đồng Kỵ đã lên phường và trở thành phố nghề sầm uất, giàu có nức tiếng ở Việt Nam.

Làng Đồng Kỵ – nay là phường Đồng Kỵ – cái nôi của nghề gỗ mỹ nghệ – được xem là khu vực kinh tế trọng điểm của TP.Từ Sơn. Từ một làng nghề truyền thống, giờ Đồng Kỵ đã lên phường và trở thành phố nghề sầm uất, giàu có nức tiếng ở Việt Nam.

Về “làng giám đốc”…

Đồng Kỵ còn được biết đến với tên gọi là “làng giám đốc” hay “làng tỷ phú” bởi cái ý: bước chân ra ngõ là gặp… giám đốc. Nói về biệt danh này, ông Nguyễn Hữu Hải – Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ cho biết, con người Đồng Kỵ khá nhạy bén, năng động và làm kinh doanh từ rất sớm.

“Năm 1986, khi đất nước mới mở cửa, người Đồng Kỵ đã bắt đầu chuyển sang làm nghề gỗ mỹ nghệ. Từ đầu những năm 1990, người dân tham gia xuất khẩu đồ gỗ đi Campuchia. Khi cửa khẩu Trung Quốc đón nhận hàng thì người Đồng Kỵ cũng là những người đầu tiên đi đường mòn lối mở đưa hàng sang Trung Quốc và đến thời điểm này đã phát triển rất rực rỡ” – ông Hải thông tin.

Trao đổi với PV Báo NTNN, Nghệ nhân ưu tú Dương Thế Tỵ (sinh năm 1948, ở phường Đồng Kỵ) cho hay: Năm 1974, ông là người đầu tiên khôi phục lại nghề đồ gỗ mỹ nghệ giả cổ trên địa bàn. Năm 1990, ông đã thành lập Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thành Đạt. “Khi tôi thành lập doanh nghiệp, trong làng Đồng Kỵ (giờ là phường Đồng Kỵ) chỉ có 3 doanh nghiệp, đến giờ phường Đồng Kỵ có khoảng 600-700 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ”- ông Tỵ nói.

Nhờ thành lập công ty, sản phẩm do ông Tỵ làm ra không chỉ bán ở trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước như: Trung Quốc, Campuchia, Lào, Nga, Đức, Canada…

Vào thời điểm “hoàng kim”, ông Tỵ cho biết, mỗi tháng công ty xuất khẩu 1 container 40 feet hàng với trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Từ chỗ là người khởi xướng, khôi phục lại nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống, ông Tỵ đã đào tạo và truyền nghề cho gần 200 người. Nhiều người có tay nghề phát triển đã mở phân xưởng riêng, tạo ra thu nhập cao cho gia đình và đem lại lợi ích rất lớn cho xã hội. Cũng từ đó, ở phường Đồng Kỵ đã hình thành những khu phố kinh doanh, buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ sầm uất, nổi tiếng.

Dù nghề gỗ mỹ nghệ đem lại sự giàu có, thịnh vượng cho nhiều người ở Đồng Kỵ, nhưng lại phụ thuộc rất lớn vào khả năng thông thương ở trong nước cũng như xuất khẩu.

“Trong 2 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề. Có thời điểm làng nghề ngưng trệ, không bán được hàng cho khách quốc tế trong khi khách hàng trong nước cũng chú trọng vào phòng chống dịch bệnh, nên ít quan tâm đến mua sắm đồ gỗ” – ông Tỵ chia sẻ.

Tại thời điểm Từ Sơn đón nhận nghị quyết thành lập thành phố, Chính phủ đã có những hướng mở về trạng thái bình thường mới – vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nguồn hàng hóa đã có dấu hiệu được lưu thông trong nước, rồi các tuyến quốc tế như sang Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại. Bà con, doanh nghiệp phấn khởi hơn…

Cửa làm ăn rộng mở

Bà Vũ Thị Mai – Tổng Giám đốc Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai (phường Đồng Kỵ, TP.Từ Sơn) đang là chủ một xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và có Trung tâm Thương mại Hướng Mai Center 9 tầng chuyên trưng bày đồ gỗ mỹ nghệ phục vụ khách hàng trong nước và quốc tế.

Từ cô gái làng trở thành doanh nhân có tiếng nên bà Mai biết rất rõ những thay đổi nhanh chóng của làng nghề Đồng Kỵ. “Đầu tiên là làng thì có lũy tre làng, mọi người làm việc rất vất vả. Sau đó lên thị xã thì thấy cảnh quan khác hẳn, đổi mới không ngừng. Bây giờ lên thành phố, tôi hy vọng Từ Sơn sẽ đẹp hơn, giàu mạnh hơn” – bà Mai chia sẻ.

“Các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn phường Đồng Kỵ sẽ có nhiều cơ hội giao thương với khách hàng hơn. Đi đâu mình giới thiệu là người thành phố thì cơ hội sẽ sáng hơn so với thị xã” – ông Nguyễn Hữu Hải – Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ chia sẻ.

Trong cơ cấu kinh tế của phường Đồng Kỵ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm tới 99%, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ với tổng diện tích đất nông nghiệp khoảng 90ha. Cùng với sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hiện nay trên địa bàn phường Đồng Kỵ đang có 2 dự án phát triển đô thị với tổng diện tích khoảng 110ha.

“Với xu hướng phát triển hạ tầng đô thị, mở rộng các tuyến đường giao thông, diện tích đất nông nghiệp còn lại sẽ dần chuyển đổi sang đất ở đô thị, thương mại dịch vụ. Khi mở ra những khu đô thị, dịch vụ, khu nhà ở sẽ kéo theo thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyển về địa phương. Cơ sở hạ tầng của địa phương sẽ phát triển hơn” – ông Hải nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *